(QĐND)- Tổng đốc Hoàng Diệu sinh năm 1828 ở xã Xuân Đài, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đỗ cử nhân năm 1848, đỗ tiến sĩ (phó bảng) năm 1853, trải qua các chức quan Tri phủ Tuy Phước, Tri phủ Tuy Viễn, Tri phủ Hương Trà, Tri phủ Đa Phúc, Án sát Nam Định, Bố chánh Bắc Ninh, thăng lên làm Tham tri bộ Hình, Tham tri bộ Lại, kiêm Đô sát viện, sung Cơ mật đại thần, Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An-Hà Tĩnh). Đến năm 1879, ở tuổi 51, ông lên đến đỉnh cao quan chế triều vua Tự Đức nhà Nguyễn, với chức Thượng thư Bộ Binh.
Năm 1880, vào những ngày tháng đen tối của đất nước trước sự xâm lăng của thực dân Pháp, ông được triều đình Huế cử ra Bắc Kỳ, làm Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội-Ninh Bình), đóng dinh trong “Thành cổ Hà Nội”.
Ở đó, vào ngày 25-4-1882, Tổng đốc Hoàng Diệu đã kết thúc cuộc hành trình 54 năm “từ nôi đến mộ” của cuộc đời mình, bằng cuộc tử tiết lẫm liệt, với danh hiệu vẻ vang: “Người giữ thành Hà Nội, sống và chết theo thành Hà Nội”.
Diễn biến của trận đánh giữ thành Hà Nội, và cuộc tử tiết “chết theo thành Hà Nội” của Hoàng Diệu đã được nhiều sách báo mô tả hoặc đề cập suốt hơn trăm năm nay. Ở bài viết nhân kỷ niệm 130 năm cuộc tử tiết của Tổng đốc Hoàng Diệu (25-4-1882/25-4-2012) này, chúng tôi xin được làm rõ thêm mấy chi tiết như sau:
- Về thời gian diễn ra trận đánh: Chính sử triều Nguyễn, sách “Đại Nam thực lục” nói: “từ giờ Mão đến giờ Mùi, ngày 8 tháng Ba năm Nhâm Ngọ”, tức là từ 5-7 giờ sáng đến 1-3 giờ trưa, ngày 25-4-1882. Tài liệu của Pháp (g.Taboulet: La geste francaise en Indochine) nói chi tiết hơn: Từ 5 giờ sáng, 3 chiếc tàu chiến Pháp đã rời khỏi bến Đồn Thủy (khu vực Bệnh viện 108 và Bệnh viện Hữu Nghị bây giờ) chạy tới chỗ “ở phía trên Đồn Thủy một chút”, nhưng theo “Đại Nam thực lục” thì đó là chỗ ngoài bãi sông Cơ Xá, tức Phúc Xá bây giờ, neo đậu dàn tàu thành một hàng để có thể bắn đại bác thẳng vào cổng thành Cửa Bắc. Đến 6 giờ sáng, Pháp gửi tối hậu thư vào thành cho Hoàng Diệu. 8 giờ, các pháo hạm bắt đầu nổ súng. Cuộc pháo kích kéo dài đến 10 giờ 30 phút thì ngừng để bộ binh tấn công. 11 giờ 15 phút, quân Pháp tràn được vào thành. Trận đánh vậy là kết thúc vào giờ Tỵ.
|
Thành Cửa Bắc (Hà Nội), nơi ghi dấu trận bắn phá buổi sáng ngày 25-4-1882 của quân Pháp. |
- Về lực lượng pháo hạm của Pháp: Tổng số tàu bè của Pháp, đưa từ Sài Gòn ra, điều từ Hải Phòng lên, tập kết ở Đồn Thủy, Hà Nội, sát ngày 25-4-1882 là 7 tàu chiến và 2 tàu máy. Nhưng trực tiếp dàn đội hình từ ngoài bãi Phúc Xá bắn đại bác thẳng vào thành Hà Nội thì có 3 chiếc, mang các tên hiệu: Phăng-pha-rơ (Fanfare), Mát-xuy (Maxue), Ca-ra-bin (Carabine). Tuy nhiên, ở tấm bảng đá trắng, gắn vào trán cổng thành Cửa Bắc, cạnh hai vết đạn đại bác được người Pháp giữ lại làm chứng tích cho trận bắn phá buổi sáng 25-4-1882, lại chỉ thấy ghi hai tên tàu chiến được “tuyên dương” là: Fanfare (dàn kèn đồng) và Surprise (kinh ngạc).
- Về một động thái chỉ huy tác chiến trên mặt thành Cửa Bắc của Tổng đốc Hoàng Diệu: Giáo sư Vũ Khiêu, trong sách “Danh nhân Hà Nội” cho biết: “Tiếng súng kẻ thù vừa vang nổ, Hoàng Diệu đã hăng hái dẫn đầu tướng sĩ lên mặt thành chiến đấu. Một hiệp quản bắn chết một sĩ quan Pháp, ông đã kịp thời thưởng ngay tại trận 30 lạng bạc để cổ vũ tinh thần quyết chiến trong quan quân”.
- Về chung cuộc của Hoàng Diệu: Sách “Đại Nam thực lục”, viết: “Diệu đi lẫn trong đám quân hỗn loạn, một mình đến trước đền Quan Công ở ngoài tường ngăn trong thành, thắt cổ ở dưới gốc cây to”. Giáo sư Trần Văn Giàu, trong sách “Lịch sử Việt Nam cận đại” cho biết: “Hoàng Diệu chạy tắt trong đám quân đã loạn, một mình vào lạy Hành cung, thảo tờ biểu tạ tội với triều đình, rồi thắt cổ trong vườn Võ Miếu”. Giáo sư Đinh Xuân Lâm, trong sách “Đại cương lịch sử Việt Nam” nói rõ thêm được một động thái của Hoàng Diệu, trước khi “vào Hành cung bái vọng, thảo một tờ biểu để lại cho vua, rồi vào vườn Võ Miếu thắt cổ tự tử”, thì đó là: “Khi thấy cửa thành bị phá, và quân sĩ đã rối loạn không thể duy trì cuộc chiến đấu được nữa, Hoàng Diệu quay về dinh Tổng đốc, mặc vào người bộ triều phục chỉnh tề”.
|
Tượng thờ Tổng đốc Hoàng Diệu và Tổng đốc Nguyễn Tri Phương trên Vọng lâu thành Cửa Bắc, Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên.
|
Những tài liệu vừa dẫn, đã bổ sung, hoặc hiệu chỉnh cho nhau làm rõ cuộc tử tiết của Tổng đốc Hoàng Diệu, ngày 25-4-1882. Nhưng rõ mồn một, và sinh động hơn tất cả, thì đó là lời kể lại của vị võ cử nhân Nguyễn Đình Tốn, chính là chức suất đội hộ vệ Tổng đốc Hoàng Diệu, vào đúng lúc vỡ thành Hà Nội: “Quan Tổng đốc bèn lên voi chạy vào Hoàng cung, tức là khu “Hành cung Kính thiên” ở chính giữa Thành cổ Hà Nội bây giờ. Ngài vào sân rồng, lạy 5 lạy, vừa lạy vừa khóc, rồi quay ra. Lúc ấy, ngài chít khăn xanh, mặc áo the thâm, thắt lưng nhiễu điều, tay cầm kiếm. Ngài cưỡi voi đi tiếp đến cổng Võ Miếu (ở khu vườn trước mặt Bộ Ngoại giao bây giờ). Xuống voi, đi vào miếu, có 10 võ cử suất đội đi theo. Ngài đuổi tất cả về, bảo rằng: “Ai muốn về Huế thì về. Ai muốn đánh nữa thì theo quân thứ Sơn Tây”. Nói xong, ngài vào Võ Miếu, đóng sập cửa lại, cởi khăn chít đầu, buộc lên cây táo mà tự vẫn” (đây là lời kể vào lúc cụ Cử Tốn đã ngoài 90 tuổi, nhưng vẫn rất minh mẫn. Giáo sư Nguyễn Tường Phượng ghi lại trên báo “Tri Tân”, số 183, ra ngày 21-4-1945. Những chữ in nghiêng là do L.V.L nhấn mạnh).
- Về “hậu vận” cuộc tử tiết của Tổng đốc Hoàng Diệu: Giáo sư Chương Thâu, trong sách “Danh nhân lịch sử Việt Nam” cho biết: Sau khi Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết “dân Hà Nội xót thương, theo lời kêu gọi của ông Cử nhân làng Kim Cổ là Ngô Văn Dạng, đã góp tiền mua áo quan, làm lễ mai táng tại vườn dinh Đốc học (tức khu ga Trần Quý Cáp bây giờ). Ba năm sau, gia đình từ Quảng Nam ra đưa hài cốt về quê”.
Tuy nhiên, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, trong sách “Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn” lại cho rằng: Trước khi được chôn cất ở dinh Đốc học, thi hài Tổng đốc Hoàng Diệu đã được đem chôn ở gần miếu Trung Lịch (gò Đống Đa). Và người đứng ra lo liệu việc nghĩa lớn này là Nguyễn Hữu Kim (tức “Bá (hộ) Kim”, hoặc “Thương (biện) Kim” - chủ cửa hàng khảm trai “Vĩnh Bảo” (ở quãng phố Hàng Khay, trông ra hồ Hoàn Kiếm bây giờ). Do đó, chính là “nhân vật trung tâm” của sự tích xây dựng Tháp Rùa (năm 1877) với giai thoại (không được chứng minh) là xây tháp để che giấu việc toan bí mật táng hài cốt song thân ở dưới nền tháp (là chỗ huyệt quỷ - theo thuyết phong thủy), nhưng không thành, vì ngay trong đêm trước ngày khởi công xây tháp, các bộ hài cốt đã bị ai đó trộm ném xuống hồ mất tích. Ông Kim có phẩm hàm “Bá hộ” vì là hào mục làng Cựu Lâu bên hồ Gươm, được chức “Thương biện” vì có lúc đã làm việc cho thực dân Pháp. Song ông lại có con gái (tên là Khuê) tham gia phong trào nhân dân chống Pháp, và có cháu nội tên là Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư Thành ủy Hà Nội đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, hy sinh trong nhà tù “Hỏa Lò” năm 1932.
GS Lê Văn Lan (Bài đăng trên qdnn.vn)
Nguồn: http://sknc.qdnd.vn/sukiennhanchung/vi-vn/89/70/84/84/84/195681/default.aspx