ĐỘC GIẢ: Cá dòng tộc chúng tôi đều họ Huỳnh nhưng một người chú tập kết ra Bắc đã đổi thành họ Hoàng. Đến năm 1975 thì chú tôi trở về sinh sống tại quê nhà. Dòng tộc ai cũng họ Huỳnh; chỉ có chú tôi và các con của chú tôi là họ Hoàng. Điều này làm chú tôi phải suy nghĩ và tìm tòi trong sách vở. Cho đến nay chú tôi vẫn chưa tìm ra được tài liệu nào chứng minh cho sự đổi họ từ Hoàng thành Huỳnh là do sự kiêng tên của chúa (Nguyễn) Hoàng mà ra. Xin nhờ ông An Chi tìm giúp (đính kèm bản sao một phần bức thư của chú tôi gửi cho tôi và một số trang tộc phả của chúng tôi).
AN CHI trả lời: Việc kiêng húy của chúa Nguyễn Hoàng là một hiện tượng mà trong dân gian rất nhiều người đã biết đến từ lâu. Nhưng vì ông cần dẫn chứng bằng sách vở cho thuyết phục nên chúng tôi xin cung cấp cho ông Sách Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại của Ngô Đức Thọ, do Nxb Văn hóa ấn hành năm 1997 đã ghi rõ ràng như sau: ''Âm kiêng húy Đoan quốc công Nguyễn Hoàng. Kiêng húy âm Hoàng, đọc chệch thành Huỳnh. Đến nay các địa phương miền Nam Trung Bộ và Nam Bộ vẫn dùng âm Huỳnh như: Huỳnh Mẫn Đạt, Huỳnh Thúc Kháng, v.v.” (tr.120). Sách Nguyễn Phúc tộc thế phả của Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc do Nxb Thuận Hóa ấn hành năm 1995 trong phần ''Một số húy danh cần biết trong họ Nguyễn Phúc” cũng ghi rõ rằng ''chữ Hoàng phải đọc trại âm thành Huỳnh'' (tr427).
Trong thư, chú ông có nói rằng họ của quý ông viết bằng chữ là màu vàng nên phải đọc là hoàng, chỉ có chữ là trường học thì mới đọc là huỳnh. Thực ra, trong Hán tự có rất nhiều chữ ''hoàng'' khác nhau nhưng về nguyên tắc kiêng âm thì bất cứ chữ "hoàng" nào cũng phải đọc thành huỳnh cả. Để quý ông rõ thêm về tính phổ biến của việc kiêng húy dưới triều Nguyễn, xin trích dẫn thêm sách của Ngô Đức Thọ như sau:
''Khác với việc viết kiêng chữ húy, việc kiêng âm húy gắn bó nhiều với yếu tố truyền khẩu. Từ việc kiêng húy trong gia tộc của chúa Nguyễn lan truyền đến những người giúp việc xung quanh, quan lại cao cấp, những người dân có quan hệ công việc đến phủ chúa v.v. người này truyền cho người khác, lâu dần thành một tập quán kiêng âm húy của các chúa Nguyễn rất bền vững (Sđd, tr.120).
Sở dĩ trong bản phiên âm quyển tộc phả, ông thấy có lúc phiên Hoàng, có lúc phiên Huỳnh (nhưng Huỳnh vẫn là tuyệt đại đa số, theo những tờ mà ông đã gởi đến) thì chẳng qua là vì người phiên âm đã không nhất quán đó thôi.
Cuối cùng xin lưu ý rằng hiện nay có tộc gốc họ nhưng do di chuyển từ Nam ra Bắc nên có người ghi và đọc họ của mình là Huỳnh, có người lại ghi và đọc họ của mình là Hoàng; có tộc vẫn giữ họ Hoàng một cách nhất quán mà không có ai đổi thành Huỳnh; đồng thời có tộc họ Huỳnh không có ai đổi thành Hoàng cả. Chúng tôi biết nhiều người họ Huỳnh ở trong Nam sẵn sàng mang tiếng là ''mất gia phả'' chứ không cần đổi lại thành họ ''Hoàng” mà cũng không cần biết đến một ông tổ họ Hoàng nào cả. Họ là một hiện tượng không đơn giản. Ởbên Pháp, họ gốc Lefèvrel/Lefèbvre phân thành họ Lefèbure là một thí dụ điển hình mà Ferdinand de Saussure đã nói đến trong Cours de linguistique générale (Xin xem bản dịch: Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Nxb KHXH, Hà Nội, 1973, tr.63). Nhưng hình như không ai có cái ý tưởng bắt những người mang họ Lefébure phải đổi lại thành Lefèvre mà cách viết bác học là Lefèbvre.
Nguồn: An Chi, http://www.bachkhoatrithuc.vn
Đọc thêm: Tại sao ở miền Nam, các họ Hoàng, Chu, Vũ phải đọc và viết Huỳnh, Châu, Võ?
|